10 sự kiện công nghệ thông tin tiêu biểu năm 2024
Tắt sóng 2G, đưa 18 triệu thuê bao lên 4G; Quốc hội thông qua Luật Dữ liệu; chính thức thương mại hoá 5G… là những sự kiện công nghệ thông tin tiêu biểu năm 2024.
Tắt sóng 2G đưa 18 triệu thuê bao lên 4G
Theo chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, một trong những mục tiêu quan trọng của Việt Nam là xây dựng xã hội số, thu hẹp khoảng cách số với việc phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh vào năm 2025, tiến tới phổ cập dịch vụ mạng di động 5G vào năm 2030.
Tính đến nay, đã có xấp xỉ 18 triệu thuê bao 2G only được chuyển đổi lên 4G, trong số đó có một tỷ lệ lớn chuyển sang sử dụng các thiết bị smartphone. Đây là cột mốc quan trọng để Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu phổ cập 4G, 5G, thúc đẩy kinh tế số và quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Quốc hội thông qua Luật Dữ liệu
Ngày 30/11/2024, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Dữ liệu, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Luật này được kỳ vọng sẽ thiết lập thị trường dữ liệu, thúc đẩy chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và thay đổi phương thức giao tiếp giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân trên môi trường số.
Chính phủ ban hành Nghị định về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng
Nghị định số 147/2024/NĐ-CP áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Một điểm đáng chú ý là các nền tảng số trong và ngoài nước có trách nhiệm tuân thủ quy định Việt Nam, bao gồm việc lưu trữ dữ liệu và cung cấp thông tin người dùng khi có yêu cầu hợp pháp.
Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050
Theo Chiến lược, giai đoạn 2024 – 2030, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một trong các trung tâm về nhân lực bán dẫn toàn cầu. Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỷ USD/năm.
Giai đoạn 2030 – 2040, Việt Nam sẽ trở thành một trong các trung tâm về công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu; phát triển công nghiệp bán dẫn, điện tử kết hợp giữa tự cường và FDI. Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 50 tỷ USD/năm.
Tới giai đoạn 2040 – 2050, Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm các quốc gia đi đầu trên thế giới về công nghiệp bán dẫn, điện tử; làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử. Đến 2050, quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 100 tỷ USD/năm; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 1.045 tỷ USD/năm.
Chính phủ phê duyệt Chiến lược Hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030
Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025 phổ cập cáp quang đến các hộ gia đình; 100% các tỉnh, thành phố và các khu công nghệ cao có dịch vụ di động 5G…
Mục tiêu đến năm 2030 hướng đến phủ sóng mạng di động 5G tới 99% dân số, triển khai thử nghiệm mạng 6G, phát triển 6 tuyến cáp quang biển quốc tế mới, nâng dung lượng cáp quang biển đạt tối thiểu 350 Tbps…
Chính thức thương mại hoá 5G
Ngày 15/10, Viettel thương mại hóa 5G, phủ sóng 100% thủ phủ của 63/63 tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện, đại học.
Ngày 20/12, Tập đoàn VNPT đã công bố chính thức cung cấp dịch vụ VinaPhone 5G siêu tốc độ, siêu trải nghiệm và đặt mục tiêu sẽ tiếp tục được phủ sóng rộng hơn nữa trong năm 2025 và sớm phủ sóng 85% dân số trong thời gian tới.
MobiFone cũng đang dự kiến thương mại hóa 5G vào đầu năm 2025 với mục tiêu phủ rộng khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Dự báo, đến năm 2030, 5G đem lại cho các nhà mạng Việt Nam doanh thu 1,5 tỷ USD. Năm 2025, 5G có khả năng đóng góp vào tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 7,3- 7,4%.
Hợp nhất Bộ TT&TT và KH&CN để thúc đẩy chuyển đổi số
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, việc hợp nhất 2 bộ tốt cho đất nước và cho ngành. Hai Bộ nhập vào nhau sẽ thành một bộ máy mạnh hơn, thúc đẩy chuyển đổi số tốt hơn.
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030
Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030 là 100% các Trung tâm dữ liệu quốc gia, Trung tâm dữ liệu vùng, khu vực, Trung tâm cấp quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao trên cả nước được bảo đảm kết nối thành công, tạo thành một mạng lưới chia sẻ năng lực tính toán, xử lý dữ liệu lớn phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa của đất nước…
Các ngân hàng thực hiện sinh trắc học để chống lừa đảo trực tuyến
Năm 2024, xác thực sinh trắc học trở thành “từ khóa chủ chốt” trong toàn ngành ngân hàng khi được xác định là giải pháp quan trọng chống lừa đảo online.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, từ 1/1/2025, các chủ tài khoản chưa hoàn tất việc cập nhật thông tin sinh trắc học sẽ không thể thực hiện giao dịch trực tuyến.
NVIDIA mua cổ phần Vinbrain, mở 2 trung tâm nghiên cứu AI tại Việt Nam
Ngày 5/12/2024, Tập đoàn NVIDIA đã ký thỏa thuận hợp tác với Chính phủ Việt Nam thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển (VRDC) và Trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam.
NVIDIA cũng cho biết đã ký thỏa thuận với một số đối tác về việc dịch chuyển chuỗi sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam, với cam kết đầu tư từ 4-4.5 tỷ USD trong vòng 4 năm tới. Việc này sẽ giúp tạo thêm khoảng 4.000 việc làm trực tiếp và khoảng 40.000-50.000 việc làm gián tiếp trong những năm tới.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện có 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD.
Hiền Minh